thông báo diễn đàn chuyển sang tên miền www.bodesontra.net

You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

NgNgHai

NgNgHai
Member
Member
Bài cảm nhận về với tác phẩm Hoàng hôn thôn Vỹ

Những ngày dài chìm đắm trong Hoàng hôn…
Xin được một lời kính tri ân về cho Giáo sư PhanMongHoan
– tác giả cuốn tập truyện HoangHonThonVy
________________________________________

Những ngày dài chìm đắm trong Hoàng hôn… CIMG3295

Thông thường – khi viết về ai đó, hoặc cảm nhận về cho một tuyệt tác nào đó mà tôi đã say mê và ưa thích – thì có lẽ cái tựa đề đầu tiên là “Một thoáng…”; hay chỉ là Một chút…; hoặc là Chút cảm nhận… ; nhưng ở đây – sau khi cuốn Hoàng Hôn Thôn Vỹ - phải nói của Cô PhanMongHoan, một vị Giáo sư thời ấy tại Danang… đến bây giờ đã làm cho chính tôi phải ngây ngất và say mê trong từng dòng chữ, từng ý truyện và cả một “thiên tình sử” dài nói về cho mỗi nhân vật trong câu truyện đó….

Trước hết – NguyenNgocHai – đệ tử của nhà Mẹ SaoMai xin được kính cẩn nghiêng mình đa tạ và cảm ơn về cho Giáo sư Phan Mộng Hoàn – một lần để tri ân và cảm mến trước phong cách bút pháp của Cô… phải nói từ xưa đến giờ NNH cũng đã tham khảo rất nhiều bài viết, nhiều tác phẩm văn học cũng như nhiều lần diễn thuyết, nói chuyện và chỉ dạy cho bạn bè, anh em, học trò về phong cách hành văn và phương pháp bút pháp trong khi mình thực hành viết một bài, một quyển sách…. Nhưng ở đây Cô MongHoan đã hướng tới cho quý độc giả một cách say mê và chìm đắm trong những câu chuyện đời – hay nói đúng hơn – đó là những thiên tình sử vô giá của con người – mà chỉ có ở những con người Á Châu của chúng ta mà thôi… khi nói về vấn đề thuần phong mỹ tục của con người Á Châu – cho dù hiện nay Cô MHoan đang sống trên một đất nước văn minh vào bậc nhất thiên hạ… nhưng với tư cách của một con người Châu Á – hơn nữa Cô cũng là con người Vietnam… chính vì lẽ đó – cách hành văn và lối bút pháp của Cô không bao giờ quên được cho mình là một con người Châu Á; và phong cách của Cô cũng chỉ nhắm vào một cái lý nhân sinh của Phương Đông mà thôi – đó là vấn đề mà chúng tôi đã cảm nhận được ở nơi Cô – lúc nào cũng có một chiều hướng sống động và một tinh thần hướng về Quê Mẹ như thế….

Về tuyệt tác Hoàng Hôn Thôn Vỹ của Giáo sư PhanMongHoan – mà tôi đã có dịp hân hạnh và thưởng thức, tác phẩm có tất cả 18 tập truyện… 18 mảnh đời có vẻ hình như những nỗi xót xa và chua cay cho mỗi thân phận của mỗi nhân vật; phải nói rằng – 18 mảnh đời đen bạc mà Cô đã có dịp chứng kiến… cho dù đôi khi “nhân vật trong một tập truyện nào đó – chính là Cô” nhưng ở đây chúng tôi đã cảm nhận được nơi Cô về phong cách bút pháp và lối hành văn để cho tất cả chúng ta đáng suy gẫm và học hỏi rất nhiều… 18 tập truyện đời của Cô… nhưng ở đây chúng tôi chỉ xin được đề cập đến vài tập truyện như sau:

1- Tập Hoàng hôn thôn Vỹ…
Khi nói đến Hoàng hôn thôn Vỹ - là chúng ta có thể thấy ngay cái chủ đề chính của Cô trong toàn bộ cuốn phim phải nói là một thiên tình sử nhiều tập của một và nhiều con người… Ở đây Hoàng hôn thôn Vỹ đã đưa lên màn ảnh scostman cho cuộc đời nhìn nhận được vai chính trong truyện là “bác Huyên và bà Uyển Nhi” tại sao chúng tôi lại đưa hai nhân vật này lên tầm cỡ vai chính trong câu chuyện của Cô ? Vì đó khởi đầu là một tình bạn học… sau đó là một chuyện tình, câu chuyện tình của một đôi trai gái thật bình thường, với “lứa tuổi 18” của ngày xưa – khi đã xong phần Đệ II cấp – thì tình yêu lúc nào cũng nảy nở trong họ… những con người, hay là những nhân vật như “bác Huyên – Uyển Nhi” – đại diện cho lớp bạn trẻ vào thời đó… không chỉ có ở trên ghế nhà trường mà thôi – mà “tình yêu đó” đã lan tỏa ra phía ngoài cổng trường để đi vào cuộc sống nữa là khác…

Ở đây chúng tôi không thể trách cứ cho “bác Huyên” và đôi khi chưa thể thương xót cho Uyển Nhi… và chính Cô Mhoan là một người đạo diễn trong tập film Hoàng hôn thôn Vỹ - luôn lái câu chuyện với quý khán giả đi vào một cung đường tình sử của hai con người…

… Như ngày xưa Huyên chỉ cần khoảng mười lăm phút đạp xe từ Đập Đá về là đã tới nhà Uyển Nhi. Nhưng nay dù đã qua gần nữa tiếng đồng hồ rồi. Huyên cố tìm kiếm mà không thấy đâu. Anh làm sao quên được cổng Tam Quan của ngôi phủ nhà nàng, sừng sững nằm ven lộ với lối kiến trúc cầu kỳ. mãi khi xe Huyên lạc xuống gần tới chợ Hương Mỹ, anh mới giật mình, ghé lại chiếc quán nước bên đường và hỏi thăm người chủ quán trọng tuổi. Ông cụ cho hay ngôi phủ đó khách đã đi qua hơn cây số rồi. Ông ta nói, cổng xưa ấy nay phần lớn đã hư hao vì thời Huế bị bên kia pháo kích trước 75, nếu khách không thật chú ý sẽ khó lòng nhận ra.

Hơn tiếng đồng hồ sau, Huyên ngỡ ngàng tìm ra được nhà cố nhân. Trưa đã xế bóng, nên cái oi bức nơi đây đã giảm đi nhiều. Cổng Tam Quan đồ sộ ngày xưa ấy nay chỉ còn trơ lại một mảng gạch đá rêu phong. Còn dãy tường cao nối tiếp bao quanh ngôi phủ thì biến đâu mất. Tít trên cao ngoằn nghèo hàng trăm chiêc rễ đa xám nâu đang bò xuống lượn qunh mấy viên gạch nằm lồi lõm cheo leo. Đứng ngắm nghía hồi lâu, Huyên quyết chắc đây là dấu tích cũ. Rồi anh dắt xe đạp men theo con đường đất đỏ len lỏi giữa hai hàng chè tàu mọc cao quá đầu người. Và mãi phía trong xa giữa khu vườn rậm rạp những luống rau đâu xanh um, anh thấy thấp thoáng một ngôi nhà nhỏ lợp tôn xây bằng táp-lô xám bẩn. Ngoài ra cơ ngơi lộng lẫy của Tòa phủ đệ nguy nga thưở ấy thì Huyên không sao tìm ra dấu vết. Bỗng từ trong ngách cửa một chú Vện xồ ra đón khách. Con chó uể oải sủa mấy tiếng cho có lệ rồi ngoe nguẩy đuôi rảo cẳng theo sau khách lạ. Anh cong ngón tay gõ liên tiếp cửa đóng sơ sài bằng mấy mảnh gỗ tạp và chờ đợi. Chặp sau có tiếng chân ai chạy ra. Cửa mở, anh thấy một thiếu nữ chừng mười lăm, mười sáu tuổi hiện ra ngơ ngác nhìn khách. Cô bé có nước da trắng hồng, đôi mắt đen láy xênh xếch sao anh cảm thấy quen quen như đã từng gặp thấy ở đâu rồi. Cô gái nhỏ nhìn khách chăm chăm một lúc mới lên tiếng, giọng cô bé trong trẻo:

- Thưa chú, chú muốn hỏi ai ?
Huyên nói:
- Cháu có biết gia đình bà Uyển Nhi trước ở đây chừ còn hay đã dọn đi đâu rồi không ?
Thiếu nữ lắc đầu tỏ ý không biết. Cô ta ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời:
- Có lẽ cô của cháu biết. Chú chờ đây một chút đợi cháu vào hỏi.
Cô gái quay lưng đi chứ không lịch sự mời khách vào nhà. Chặp sau Huyên lại nghe tiếng cô ta chạy trở ra. Lần này cô bé mở rộng hai cánh cửa ọp ẹp và mời Huyên.
- Cô của cháu mời chú vô nhà uống nước ạ….
………………………..

(Trích trong tập: Hoàng hôn thôn Vỹ - trg 143-144)

Có lẽ phần mở đầu gặp gỡ sau thời gian dài cách biệt, hầu như ai mà chẳng đặng dừng như thế… vì ngày xưa “chàng trai trẻ” kia cứ mỗi lần đến “nhà nàng” thì hầu như đã quá quen thuộc trong một mối tình yêu… nhưng hôm nay thì khác hẵn – Huyên đến nhà Uyển Nhi trong một bối cảnh giống như một chuyện phim mà người đạo diễn MongHoan đã sắp đặt cho những diễn viên phải làm như thế trong câu chuyện – một câu chuyện đời không những trên phim trường, trong tiểu thuyết, mà câu chuyện ấy là có thực, một sự thực hầu như phủ phàng với thời gian sau hơn ba mươi năm trường như thế, một cuộc hội ngộ như trong các thiên tình kiếm sử sau mấy mươi năm rồi hẹn gặp nhau vậy…

Với Hoàng hôn thôn Vỹ - ở đây chúng tôi không thể lướt qua nhanh chóng mà phải nhìn kỹ từng chữ, từng câu… thậm chí đến từng dấu ngữ pháp… tuy nhiên lòng người cũng đôi khi khó mà hoàn thiện cho được, ở đây có thể nói con người đạo diễn MongHoan đã đem hết sinh lực vào cho một câu chuyện tình trót lỡ mang “tính chủ đề” của toàn bộ tập truyện - ắt hẵn sẽ phải có sự đặc biệt nào đó rồi.. Phải nói tập truyện Hoàng hôn thôn Vỹ - là một câu chủ đề của toàn bộ tập phim cùng tên của GS PhanMongHoan khi Cô đã cho ra đời trong một hoàn cảnh éo le của thời đại hiện nay, biết bao nhiêu thăng trầm bay bổng trong cuộc sống, biết bao nhiêu cái khắt khe và phong kiến, biết bao nhiêu cái hủ lậu phong kiến như cái thời Tự Lực Văn đoàn mà tất cả chúng ta đều đã được học hỏi thời xưa ấy qua đi… Hôm nay Cô MongHoan, có thể nói người đạo diễn MongHoan đã cho trình chiếu lại bộ phim như thế, phong kiến như thế và có tính khắt khe khuôn phép của một thời kỳ của những gia phong hoàng tộc tại cố đô như thế…

Có thể nói: tập phim Hoàng hôn thôn Vỹ - có lẽ đã trình chiếu cho tất cả những ai đang ở nơi những phương trời viễn xứ còn nhận thấy một nét gia phong đặc trưng của thời đại con người xưa cũ, một tập tục xa xưa mà con người thời ấy đã hấp thụ một nền văn hóa trong khuôn phép lễ giáo gia phong… hình như còn những vấn đề: nam nữ thọ thọ bất thân, hay là tình yêu đôi lứa chỉ có qua cái nhìn e thẹn che nghiêng vành nón, chàng đón nàng với chiếc xe đạp, và những câu chuyện trò trao đổi qua về với những lời lẽ ân cần nhưng lịch sự, thân thiết nhưng không sỗ sàng, đắm đuối nhưng không sa đọa… một tình yêu trong sáng của một thế hệ con người biết giữ gìn danh giá cho nhau, và bất cứ câu chuyện tình nào vào thời đó – người đạo diễn MongHoan đã sắp đặt cho một tập film cứ còn mãi xuôi chảy giống như từng thước film đi qua trước ống kính công khai trên màn ảnh vậy….

Về một cuộc gặp gỡ - hội ngộ của hai nhân vật trong truyện film – người đạo diễn MongHoan đã sắp xếp như sau:

………………………………………….
- Dạ thưa ông, ông có phải là ông Tường Huyên ?
Anh giật mình quay ngoắt lại nhìn sững vào mặt chủ nhân và hỏi:
- Vậng, Huyên là tôi, nhưng thưa tại sao bà lại biết ?
Rồi Huyên chăm chú vào người đối diện. Anh xúc động vì trong phút giây, lớp khói sương mơ hồ của thời hiện tại chợt tan biến đi trước mắt Huyên là chân dung của nàng hiển hiện. Người đàn bà mà mái tóc điểm bạc thoạt tiên hóa trang thành luống tuổi, nay ánh mắt dịu dàng long lanh niềm hạnh ngộ. Thoáng chút sắc hồng ửng lên gò má và làn môi khắc khổ chợt nhạt nhòa để hiện ra nét cười bẻn lẻn. Huyên thảng thốt kêu lên:
- Uyển Nhi ! Phải là Uyển Nhi của Huyên đó không ?
Người đàn bà nhè nhẹ gật đầu.
- Dạ, chắc là anh đã thất vọng vì tôi quá đổi thay, phải rứa không anh Huyên ?

…………………………………
Hai người ngồi trân ra nhìn nhau. Thời gian như lắng đọng. Ba mươi năm họ mất nhau nay tìm lại được. Mãi Huyên mới lên tiếng trước:
- Lâu rồi xa Huế - e tới hơn ba chục năm ?
Uyển Nhi sửa lại:
- Ba mươi năm, và sáu tháng lẻ mười ngày – Huyên đã rời Huế bỏ đi…
………………………..

(Trích trong tập: Hoàng hôn thôn Vỹ - trg 147-148)

Từ một sự ngỡ ngàng còn nghi ngại, đến một cuộc hạnh ngộ tình cờ và có phần chắc chắn, chúng tôi nhận thấy với phong cách bút pháp lái truyện của Cô MongHoan – đã ít nhiều gây cho độc giả một sự ngạc nhiên không ít… dẫu biết rằng trong truyện film nào, giây phút hạnh ngộ gặp gỡ nào đi nữa, thì độc giả cũng phải chú ý đến những chi tiết có tính bất ngờ và ngạc nhiên như thế - do đó câu chuyện đến đây có lẽ là “phần chính của đề tài” mà Cô MongHoan đã gây cho khán giả nhiều ít suy nghĩ: tại sao đến giờ mới gặp? hay là cuộc hội ngộ như thế, sau thời gian dài đăng đẳng như thế, giây phút gặp gỡ có phần quan trọng và sắp xếp như thế nào ??? Với phong cách bút pháp và dẫn truyện làm cho người xem phải có sự hồi hộp – đó là điều đương nhiên, chúng tôi nhận thấy với bút pháp dẫn chuyện giống như Cô MongHoan đang lái một chiếc xe đang đi trên một cung đường quê nhà nào đó, có những ổ gà, thì Cô đã cố trình tránh né làm sao cho xe đừng bị xốc, vì nếu đụng phải ổ gà mà xe xốc lên thì những người khác ngồi trên xe sẽ có phần khó chịu với bác tài xế….

Câu chuyện đời trong đôi bạn ngày xưa của bác Huyên và Uyển Nhi… tác giả đã dùng những phương thức đoạn luận để trình bày cho câu chuyện có tính liên hoàn, nhưng không khúc mắc, Cô đã trình bày từng chi tiết, từng minh chứng, từng thái độ và hành động của đôi bạn ngày xưa cho dù ba mươi năm sau vẫn còn một khuôn phép lịch sự, không sỗ sàng, không ong bướm, đôi bạn ngày xưa qua cuộc trò chuyện và một sự gặp gỡ có một không hai của hai con người xưa cũ tưởng đâu là cách biệt âm dương, nhưng hình như quả đất còn vẫn tròn như ông bà ta thường hay nói: có ngày sẽ gặp nhau… Có thể nói bác Huyên và Uyển Nhi, hai nhân vật chính trong truyện chủ đề, chỉ có hai người, ngoài ra nhân vật Hạ Huyền là một chút muối mặn gừng cay cho một câu chuyện để tăng thêm tính mỹ vị cho phụ đề của câu chuyện… như thế trong một câu chuyện lúc nào cũng có chính và phụ, hai vấn đề luôn luôn hỗ trợ cho nhau để câu truyện thêm phần hấp dẫn… Ở đây có thể nó người đạo diễn MongHoan đã làm tròn đầy đủ với những yếu tố, những điều kiện ắt có và những phương pháp như thế cho một cuốn phim đời như thế - và đó cũng là một lối pháp nghệ thuật của những người cầm viết….

Cho đến khi gặp gỡ và đã nhận ra nhau, chuyện hai người ôn lại tháng ngày xa xưa cũ – chắc có lẽ cũng đã đầy đủ những mừng vui, những kỷ niệm, những hồi ức và những hình ảnh của ngày xưa mà trên chiếc bàn khách có lẽ là minh chứng cho cuộc trò chuyện đó… một bên là chủ, một bên là khách, hai con người chủ và khách nếu ngày xưa hiểu và thông cảm cho nhau thì bây giờ cũng chỉ là một không có gì đáng nói… đằng này một câu chuyện tình của đôi trai gái ngày xưa cách nay hơn ba mươi năm – chưa bao giờ có lời đáp số cho câu chuyện tình, chưa kết duyên nên đôi như tơ hồng xe chỉ, chưa thể nên một trong một chuyện phim mà ẩn số chỉ là một con số 0 giữa hai con người tình chưa tròn duyên chưa nên nghĩa – do đó cuối cùng phải đành xa nhau, cách biệt ngăn trở với bao niềm nhung nhớ và giữ trọn nghĩa tình trong lời thề của con tim Uyển Nhi như vậy… Một bữa cơm quê nhà với những món ăn dân giã mà Uyển Nhi cố tình giữ Huyên ở lại để nhớ về cho những ngày xưa – giống như đó là những lời ân tình trao nhau trong hoài niệm, đó là những lời tâm sự của đôi trai gái trong tuổi xuân thì, giống như những cái nhìn nhau say đắm của những ngày xưa còn thương nhau như thế… Người dẫn truyện không cần phải kể lể, không cần phải trình bày chi cho nhiều, không cần chi tiết phức tạp trong phong cách diễn tả của một cuộc hạnh ngộ với một bữa cơm giàu tình thân ái…. Ở đây Cô MongHoan đã trình bày cho độc giả chỉ là một bữa cơm đạm bạc và bình thường, không cần cao sang như chốn phương Tây của Huyên, món ăn chỉ là một bữa cơm dân giã mang đậm chất mùi vị quê nhà xứ cố đô của ngày nào, món ăn có chứa đựng nhiều nỗi ân tình của ngày xưa như nhắc lại cho Huyên nhớ chứ không cần nói nhiều, mắm cà, gà luộc… những món ăn của cái thời còn yêu nhau với chút tình quê nhà nồng thắm, hình như bữa cơm ấy, làm cho bác Huyên nhìn vào những món ăn và có nhiều nghĩ suy về cho một con người thề chung son sắt và giữ trọn tiết trinh của một con người phụ nữ Đông phương là như thế, sự chung thủy của người phụ nữ Á Châu chính là ở cái điểm son sắt như thế đấy.

Cuộc hội ngộ và gặp gỡ - chỉ là một mẫu chuyện rất đỗi bình thường, và điểm chính ở đây Cô MongHoan đã trình bày cho độc giả với một bữa cơm quê nhà với con gà luộc cao sang, gỏi ngó sen Tịnh Tâm chua chua ngọt ngọt, canh mướp đắng, bánh cuốn quê hương nhân ngũ vị… những món ăn rất Huế, những món ăn đậm đà tình dân quê như thưở ngày xưa ba mươi mấy năm về trước khi hai người còn là những thời học trò và đến khi hai người đã bước ra khỏi cổng trường lúc ấy…

- Cháu biết bác Huyên về bên nớ là quên hết bên ni ngay mà !
Huyên trả lời cô bé nữa đùa nữa thật:
- Không bao giờ! Bác sẽ trở lại sống với Huế, mươi năm nữa khi về hưu. Nhưng cháu có nuôi bác già khi nớ không nà ?
Thiếu nữ nước mắt lưng tròng nhưng miệng cười toe, nó hí hửng:
- Cháu hứa, sẽ cố gắng học thiệt giỏi, nay mai đất nước giàu có, Huế hết nghèo khổ, bác về, cháu sẽ phụng dưỡng bác. Ô kê ?
Hai bác cháu cùng phá lên cười làm không khí trở nên vui tươi. Và họ cảm thấy sao cuộc đời vẫn còn có hạnh phúc. Trong lúc đó, người cô cố làm vẻ tươi tỉnh nhìn hai bác cháu nói:
- Thôi bé đi mô thì đi, nhớ mau về kẻo tối. Còn bác Huyên cũng sửa soạn thôi, đường từ đây lên Kim Long còn xa lắm…
Hạ Huyền ái ngại nhìn cô nó, thiếu nữ cảm thương người cô hết sức. Thế là mai bà sẽ giã biệt cố nhân, trở lại cảnh đời cô đơn như trước, nó nghĩ thầm, mình là cô, chắc mình chết mất. Nhưng coi bộ cô vẫn tỉnh khô vô sự rứa hè ?! Không lẽ khi người ta già rồi thì sẽ trở nên khô khan tình cảm ? Thiếu nữ đưa mắt tò mò lén quan sát hai người lớn. Ông bác đang dòm quanh nhà, chắc là để ghi khắc cảnh cũ người xưa vào trong tim. Cô bé còn thoáng bắt gặp nét nhìn đăm đắm của người cô theo dõi người bạn cũ. Hạ Huyền trầm ngâm thương cảm họ ghê. Nó lắc đầu rồi buột miệng, răng đời chi mà lắm khổ lụy.

Trời sụp tối lúc nào không hay. Huyên bịn rịn đứng lên chào từ giã bạn lần nữa để lên đường. Giữa nhà một bóng đèn điện vàng vọt không đủ xua tan ánh chiều chập choạng tím sẫm đang lan tràn cả không gian một khối buồn sầu đến muốn khóc. Tối ám và câm nín như cuộc đời hiu hắt của Uyển Nhi. Hai người bắt tay nhau lần cuối. Bàn tay người đàn bà nhỏ nhoi đến tội nghiệp. Huyên vội vàng lên xe, cúi đầu đạp nhanh ra khỏi con ngõ hẹp. Uyển Nhi thẫn thờ quay bước trở vào căn nhà nhỏ quen thuộc, đưa tay khép chặt hai cánh cửa ọp ẹp.

Về đêm trời mát dịu, ngọn gió từ mé sông sau vườn xô lên thổi xào xạc đám tóc lá bụi mía trồng gần nhà. Người đàn bà cô đơn nghiêng vai quay hướng về phía xôn xao cỏ cây ấy. Bà khe khẽ đưa bàn tay cô đơn sờ lên má lên môi mình… Hình như môi má bà còn ấm vì một nụ hôn…
………………………..

(Trích trong tập: Hoàng hôn thôn Vỹ - trg 160-162)

Nếu phần mở đầu hai con người đã được gặp gỡ sau thời gian dài cách biệt, hầu như ai mà chẳng đặng dừng như thế… thì ở phần cuối tác giả câu truyện đã sắp xếp cho một cảnh đời chia ly thật nhiều bịn rịn như chưa thể muốn rời xa của hai con người có tính tình nhân như thế, hình như ai ai cũng không thể cất bước ra đi một cách vội vã được mà phải còn nán lại để ánh mắt nhìn nhau, bắt tay nhau thật lâu, trong cái nhìn nhưng không nói thì hầu như nếu với những dòng lệ tuôn trào thì cũng đã nói hết cho ai những nỗi niềm riêng, ở đây bác Huyên không còn như ngày xưa khi phải chàng trai ra biên ải, không phải là một chinh nhân với thời gươm đao trong khói ngàn binh lửa, không còn là là một kẻ đi xa bỏ lại người mình yêu… mà hôm nay Cô MongHoan đã sắp xếp một bối cảnh ly biệt, cảnh biệt ly hầu như có tính ngàn trùng xa cách và hầu như không có ngày trở về với cố hương nữa – một người đang tháng ngày mòn mỏi và đơn côi, còn một người với cuộc sống riêng tư của chính mình với hạnh phúc của chính mình, câu chuyện đã được kết thúc như vậy có thể nói là chóng vánh và đó là điều ắt hẵn phải như thế, hầu như không còn chần chờ, có nghĩa là trời đã tối, người ở lại lo cho người đi sợ rằng trong đêm tối… đừng bao giờ như chuyện tình đơn độc của người ở lại phải chịu cảnh đớn đau trong nỗi cô đơn triền miên và dai dẳng như thế, và hầu như đó là một nỗi lo toan – nỗi lo sợ khi tiễn người thương ra đi cho sớm trước khi trời tối hẵn của một con người phụ nữ biết lo cho người mà mình thương là như thế… Cô MongHoan đã lái được câu truyện vào phút cuối đành phải như thế cho dẫu không ai lại muốn thế, nhưng phải đành thôi…

Hoàng hôn thôn Vỹ - có thể nói là một câu chuyện tình phút đầu gặp gỡ trong hội ngộ và tràn đầy thương yêu – nhưng sau cùng lại phải chia xa trong đớn đau và buồn bã – sự đời là như thế, và câu chuyện tình của bác Huyên và bà Uyển Nhi đến lúc này cũng phải đành nhận một bối cảnh cũng phải như thế - đó là một vấn đề mà qua phong cách hành văn và lối bút pháp của Cô MongHoan rất đáng cho những bậc hậu sanh như chúng tôi phải còn học hỏi rất nhiều và rất nhiều….

Những ngày dài chìm đắm trong Hoàng hôn… CIMG3296

2- Tập Dòng Đời…
Nếu Hoàng hôn thôn Vỹ mà Cô MongHoan đã gây biết bao cảm xúc cho những độc giả khi đang chìm đắm vào tập truyện… thì một cuốn phim thứ hai, một tập thứ hai mang tên Dòng Đời chắc cũng không kém phần lâm ly và bi đát như Hoàng hôn thôn Vỹ !!!

Nếu chúng tôi đã đề cao ý nghĩa của Hoàng hôn thôn Vỹ của Cô – thì có lẽ Dòng Đời là tập truyện cuối cùng trong tác phẩm là một tuyệt tác mà trong toàn tập Hoàng hôn…. Của Cô là một câu truyện tình mang đầy tính thương đau hơn, cổ hủ hơn, và có tính phong kiến hơn… nhưng trong cái phong kiến hủ lậu đó – nhân vật Đoan Thục trong Dòng Đời có lẽ cũng giống như Cô Mai trong tập truyện Nữa chừng Xuân của Khái Hưng ngày xưa vậy. Với Cô Mai của Nữa chừng Xuân ngày xưa mà Khái Hưng đã đề cập và mô tả cùng với chàng Lộc… thì cũng nằm trong khuôn phép phong kiến khắc nghiệt như thế… nhưng rồi đó là câu chuyện của ngày xưa…. Còn hôm nay trong tập Hoàng hôn của Cô MongHoan thì người con gái Đoan Thục với chàng thanh niên Hoài Nam của một thưở nào cũng đã làm cho người xem phải liên tưởng… Tuy nhiên có cái khác biệt ở đây giữa hai thời kỳ:

1- Cô Mai trong Nữa chừng Xuân của Khái Hưng chỉ là một cuộc tình phụ và theo khuôn phép cổ hủ - chưa có con cái… Cô Mai ở đây không còn gặp lại người yêu cũ … và sống một cuộc sống nhiều cô đơn trong nỗi niềm u uẫn của tình phụ.
2- Còn nhân vật Đoan Thục hôm nay của Cô MongHoan với người yêu lý tưởng Hoài Nam thì đã có con, nhưng vì thời cuộc biến đổi – Đoan Thục đành phải nuốt lệ sầu và ra đi về miền viễn xứ xa lạ một cách bất đắc và miễn cưỡng… và nhân vật Đoan Thục nơi phương trời xa xôi kia, vẫn còn sống một cuộc đời đăng đẳng với một hình một bóng và chờ đợi ngày về cố hương để gặp lại chồng cũ và đứa con… và chuyện ấy đã xảy ra và có thực…

Có thể nói chúng tôi sau khi đọc xong Dòng Đời – đã làm cho chúng tôi liên tưởng như vậy, không hiểu với ý nghĩ của Cô MongHoan có như chúng tôi không… Nếu trong Hoàng hôn thôn Vỹ nếu đứng về khía cạnh film trường thì chỉ có một bộ phim toàn tập của một câu chuyện tình… Ngược lại trong Dòng Đời mà chúng tôi đã diện kiến qua thì đây là một bộ phim nhiều tập truyện với các tiểu mục nhỏ như: Ngày về (trg 306); Chuyện cũ (trang 316); Người xưa (trg 324); Con so về nhà mẹ (trg 336); Mẹ nuôi con biển hồ lai láng (trg 339); và Tương phùng (trg 363)…

……………………………………….
Về- Đoan Thục, phải Đoan Thục đó không ? Phan bạn cùng lớp Đệ Nhất B1 với Đoan Thục đây này…
Cô hơi sựng lại vì mừng rỡ, vội vàng vẫy tay đáp lễ người đàn ông gầy gò đứng tuổi, da sạm nắng đang đứng ngoài cửa phòng đợi. Phan trông già hẵn đi so với lứa tuổi 50 của anh. Thục nhớ rõ như mới hôm qua, họ là đôi bạn thân cùng xóm ở Kim Long, hai người còn cùng là bạn ở lớp Đệ Nhất khi cô chuyển từ trường Đồng Khánh sang trường Quốc Học, vì bên trường con gái chỉ đến lớp Đệ Nhị. Đôi bạn tah6n thiết với nhau từ thưở còn đi học ở trường làng. Lớn hơn một chút họ chia tay nhau. Đoan Thục trở thành cô nữ sinh Đồng Khánh duyên dáng, trong khi Phan lúc nào cũng là cậu bé lắc xắc, mặc dù đã thi đậu vào ngôi trường công lập lớn nhất cố đô. Nhưng cho tới khi vào đời trở thành người lớn, hai người vẫn coi nhau như anh em họ hàng, bẵng đi hơn hai mươi năm, bây giờ họ gặp lại…
………………………..

(Trích trong tập: Hoàng hôn thôn Vỹ - trg 306-307)

Vậy thì hình như cũng như câu chuyện ở trên của bác Huyên với bà Uyển Nhi… Cô MongHoan cũng đã mượn hình ảnh của cô bé Hạ Huyền để mở đầu cho một chuyện film… thì Dòng Đời cũng có lẽ như thế, Phan cũng là một nhân vật phụ đề để cùng dẫn Đoan Thục đi vào câu chuyện hợp lý hơn, vì khi một mình Đoan Thục trở về cố hương chỉ có một mình và không cho ai biết để ra đón… vậy thì qua hai câu chuyện tình như vậy – tác giả MongHoan cũng đã mở đầu cho một nhập đề theo lối pháp cú hành văn với tính chất đoạn luận của một câu chuyện tình để dẫn độc giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác để hướng tới câu chuyện hợp tình hợp lý hơn – đó là một phong cách mà tất cả chúng tôi muốn đề cập một khi người đạo diễn tập truyện MongHoan đã điều phối như vậy – đó là một vấn đề hay và đáng học tập ở nơi Cô…

Vậy thì Dòng Đời có lẽ khác hẵn với Hoàng hôn thôn Vỹ và cũng từa tựa giống nhau ở vài quan điểm mà chúng tôi ghi nhận được:

1- Ở trong Hoàng hôn thôn Vỹ:
- Bà Uyển Nhi sau thời gian hơn ba mươi năm mới gặp lại người mình thương;
- Uyển Nhi và bác Huyên chỉ là đôi tình nhân – chưa có con cái.
- Nhân vật Huyên và Uyển Nhi được tác giả sắp xếp thêm một nhân vật phụ là cô bé Hạ Huyền.
- Sau cùng chia ly bác Huyên và Uyển Nhi khó lòng mà gặp lại được nhau.
- Nỗi buồn vô vọng của Uyển Nhi đã lộ trên khuôn mặt sau khi bác Huyên đạp xe đi vào bóng đêm, và có lẽ biền biệt

2- Ở trong Dòng Đời:
- Đoan Thục thì gặp lại chồng cũ sau hai mươi năm.
- Còn Đoan Thục và Hoài Nam đã có đám cưới và có con là Hoài Ái…
- Vợ chồng Đoan Thục – Hoài Nam có con trai và cậu Thông…
- Nhân vật Phan trong truyện là một nhân vật phụ để cho tác giả lái vào câu chuyện cho hợp lý hơn…
- Cho dù Đoan Thục trở về bên kia viễn xứ, nhưng còn có thể cho Hoài Ái đi theo trong nay mai để tiếp tục học hành và có thể sắp xếp cho Hoài Nam qua được với tính chất bảo lãnh…
- Khác với câu chuyện trên – Đoan Thục và Hoài Nam , Hoài Ái có thể hy vọng được đoàn tụ…

Như vậy có thể nói hai câu chuyện tình lâm ly – nhưng vẫn còn có những khúc mắc ở chỗ một bên là ly biệt, còn một bên là được đoàn tụ… điều này có thể làm nhiều độc giả phải ganh tỵ giùm cho Uyển Nhi của Hoàng hôn…; và chúc mừng cho Đoan Thục có ngày hạnh phúc lần thứ hai trong tập truyện nhiều tập Dòng Đời là như thế… Nếu đứng về khía cạnh điện ảnh, trong hai bối cảnh của hai câu chuyện tình mà người đạo diễn MongHoan đã chỉ đạo và sắp xếp như thế - thì Hoàng hôn thôn Vỹ cũng là một bộ - và Dòng Đời cũng chỉ là một bộ phim, cho dù Dòng Đời mang tính nhiều tập, nghĩa là tác giả muốn kể lại cái nguyên do của câu chuyện tình Đoan Thục và Hoài Nam, muốn kể lại cuộc đời Đoan Thục với những tháng ngày dài của cái cảnh con dâu và mẹ chồng đã bị gay gắt như thế nào, bị dằn vặt và mỉa mai như thế nào, từ cái nhìn, lời mỉa mai, và ý nghĩ của bà mẹ chồng đối với Đoan Thục khổ đau như thế nào – trong khi đó Uyển Nhi thì lại không có…. Nếu phân tích kỹ lưỡng và sâu sắc hơn nữa thì Uyển Nhi và Đoan Thục cũng là những người con gái năm xưa, và thời gian mấy mươi năm sau cũng chỉ là những người đàn bà Đông Phương đã chịu ảnh hưởng cái phong kiến không hơn không kém mà thôi – nhưng hai gia đình thì chắc chắn là sẽ khác hẵn cho hai nhân vật chính trong hai câu chuyện đời như thế….

……………………………………….
Thời gian qua đi, đã thắt chặt sợi dây thân ái giữa hai người trẻ Nam – Thục. Một đôi lần Đoan Thục theo cả bầy ghé xuống Bao Vinh thăm nhà Nam. Cô đã có nhận xét, mẹ Nam là người hết sức kín đáo. Bà không niềm nở đón tiếp bọn trẻ như ba mẹ Thục. Đôi lúc, cô bắt gặp tia nhìn nghiêm lạnh của mẹ Nam hướng về mình. Ánh mắt cảm của bà chợt lóe lên gay gắt khiến Đoan Thục khẽ rùng mình ớn lạnh, nhưng cảm tưởng chỉ thoáng qua thôi, rồi cô cũng quên đi. Thục vẫn hồn nhiên để lòng mình mở ra đón nhận tình cảm sâu kín và trân trọng mà Hoài Nam đã dành riêng cho cô….
………………………..

Tối hôm ấy khi mọi người từ giã ra về, ban chấp hành lớp còn lưu luyến nán lại. Từ một năm qua, họ đã quen sinh hoạt tương đắc với nhau, nên giờ phút chia tay tránh sao khỏi bịn rịn. Ngoài vườn, quanh chiếc bàn đá tròn kê dưới bóng cây Ngọc Lan, giờ đó đang tỏa hương thơm ngát, mấy người trẻ tuổi đang nhỏ to tâm sự. Chỉ mình Hoài Nam đầy vẻ ưu tư, anh như chìm đắm vào cõi riêng biệt nào. Ngồi tách ra một góc anh lặng lẽ ôm cây đàn guitare của Phan khẽ dạo khúc nhạc buồn của Chopin. Từng giọt âm thanh trầm lắng nhẹ lan ra và len vào hồn ai nỗi niềm riêng từ lâu anh vẫn chôn dấu. Nhưng tiếng đàn sầu lắng ấy làm sao nhốt kín được tiếng thổn thức của trái tim Đoan Thục. Cũng đã quá lâu rồi Thục âm thầm yêu Nam, cô không để lộ tình cảm ấy cho tha nhân biết, người bạn nào gần cô cũng đem lòng thương mến Đoan Thục, người con gái dễ thương và hòa nhã trong chừng mực con nhà lễ giáo. Thấy cô đối đãi với bạn bè người nào cũng như nhau. Hoài Nam nào dám tưởng Thục có chút tình cảm đặc biệt riêng dành cho mình. Đêm nay không gian quen thuộc hàng ngày chợt ngất ngây vì hương Ngọc Lan, khiến cho Nam bạo dạn mượn tiếng tơ đồng để gửi gắm nỗi sầu tư đến một người….

(Trích trong tập: Hoàng hôn thôn Vỹ - trg 318-320)

Đến đây, tác giả MongHoan cũng đã nhắc lại cho một câu chuyện tình của cái thời kỳ chỉ còn là những cô khoa cậu tú của Hoài Nam và Đoan Thục cũng như các bạn trang lứa cùng lớp… nhưng ở đây, thường thường người ta có câu: Tình đầu là mối tình dang dở… ở đây con người của Đoan Thục và Hoài Nam thì lại không dang dở hiện tại, cuộc đời đã cho hai người còn cứ suôn sẻ và bình an trên cuộc tình của họ, và một ngày nọ…

…………………………………………………………….
Vào năm thứ hai của Đại học ban Toán, Hoài Nam cũng như tất cả các sinh viên khác từ 18 tuổi trở lên đều phải nhập ngũ. Lệnh tổng động viên được ban hành lúc đât nước lâm vào chiến cuộc, hồi đó Đoan Thục đang theo học Chứng chỉ Văn chương Anh tại Đại học Văn khoa. Thời gian này Nam – Thục đã “bạch hóa” mối tình của họ với bạn bè ở Huế - trừ mẹ Nam. Bà vẫn tin tưởng mình là kẻ hoàn toàn quyết định cho tương lai con trai của bà, bà đã “dòm” cho Hoài Nam một cô gái quê nghèo nàn, mồ côi cha mẹ từ tấm bé, cô ấy tên là Mai, đang nương tựa sống nhờ người cô ruột đông con, vốn là bạn hàng xóm lâu đời của mẹ Nam, Mai tính tình hiền lành, mặt mũi dễ coi, cô học hết lớp nhì tiểu học. Mai thôi học ở nhà lo việc bếp núc và phụ việc buôn bán hàng xén với người cô. Mẹ Nam đã “chọn” Mai, nghĩ rằng cô dâu nghèo cô đơn ấy về sau sẽ trở thành đứa con hoàn toàn phụ thuộc vào nhà bà….

Hè năm đó vào dịp người yêu mãn khóa Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, Đoan Thục liền bay vào Saigon về Thủ Đức để dự lễ. Tân sĩ quan Hoài Nam tốt nghiệp loại thủ khoa, anh đẹp trai trong bộ lễ phục trắng toát và uy nghiêm…………………..

Tuần lễ sau đó Nam – Thục đã “tự ý” làm lễ đính hôn với nhau. Hai người dung dăng vui vẻ, tay trong tay dạo chơi khắp thành phố Saigon, cô sinh viên Văn khoa tươi đẹp nép mình bên chàng sĩ quan tuấn tú, trông họ xứng đôi vừa lứa làm sao. Đó là thời gian tuyệt vời và hạnh phúc nhất của đời họ. Nhất là với Hoài Nam, một đời chỉ biết tuyệt đối tuân phục mẹ mình.

Khi Nam trở về Huế anh được nghỉ ngơi thêm hai tuần lễ, sau đó nhận sự vụ lệnh và ra đơn vị…..

(Trích trong tập: Hoàng hôn thôn Vỹ - trg 324-325)

Có lẽ tác giả cũng đã cho chúng ta nhìn nhận và thấy rõ là Hoài Nam và Đoan Thục đã “tự động” thoát thai ra khỏi cái vòng lễ giáo lẫn quẫn và cố hủ kia… giống như ngày xưa Mai và Lộc trong Nữa chừng Xuân (Khái Hưng), hay là Hiền và Vọi trong Trống Mái (Khái Hưng), cho đến bây giờ cái vòng kim cô lễ giáo phong kiến đó cứ mãi còn lẫn quẫn và còn hy vọng khép chặt với lớp người trẻ, ngày xưa có Khái Hưng và Nhất Linh, Thạch Lam…. Còn hôm nay có thể mạnh dạn nói rằng: có Cô MongHoan của chúng ta muốn “mở cửa” cho cái vòng lễ giáo cổ hủ đó trong câu chuyện nhiều tập Dòng Đời của thời đại ngày hôm nay… Bởi vì khi chúng tôi bàn thảo và viết lên bài cảm nhận này, thì có lẽ Cô MongHoan, người mẹ đẻ của Hoàng hôn thôn Vỹ kia vẫn chưa gióng lên một hồi chuông tỉnh ngộ cho những ai còn mang nặng tính đặc thù hủ lậu kia với những người trẻ trong gia đình (vì có đọc được đâu mà biết…) cho nên với Khái Hưng, Nhất Linh của ngày xưa, và tác giả MongHoan ngày hôm nay cộng thêm với cái lý lập luận của lớp người trẻ hôm nay, đôi lúc chúng ta vẫn còn nhìn thấy nhiều “cuộc chiến xung đột” vẫn cứ còn xảy ra giữa hai thái cực mới và cũ như thế….

Qua lối lập luận trên đây – hiện nay chúng ta vẫn còn mãi thấy cái cũ và cái mới cứ mãi xung khắc với nhau như vậy – cho nên Dòng Đời của tác gỉa MongHoan trong Hoàng hôn thôn Vỹ… chúng ta sẽ thấy được hậu quả của cái cảnh “nàng dâu mẹ chồng” của con người Đoan Thục sẽ như thế nào ??? đó chắc có lẽ khỏi cần phải nói gì thêm nữa – đó là điều chắc chắn sẽ xảy ra và quả đúng như thế - khi tác giả MongHoan đã cho chúng ta nhận thấy:

……………………………………………………
Năm ngày thần tiên ấy rồi cũng trôi qua mau như một cái chớp mắt… Vừa trở lại Huế, ngày hôm sau Hoài Nam phải chia tay người vợ yêu để lên đường ra đơn vị………………. Nơi anh đóng quân cách nhà chưa tới 20 cây số, vì thế thỉnh thoảng Nam vẫn thu xếp về thăm nhà, phần Đoan Thục đã tình nguyện sống với bà mẹ chồng chứ không ở với ba me. Cô biết chồng là con người hiếu thảo và cô thì lại quá yêu Nam, nên đã muốn thay anh hầu hạ mẹ chồng, cho anh yên tâm khi sống xa nhà…..

Cũng bắt đầu hôm đó Đoan Thục thực sự nếm mùi tân khổ của cuộc sống cạnh bà mẹ chồng cô độc. Mỗi ngày từ tinh mơ mẹ Nam đã thức dậy. Tiếng gà gáy ngoài bụi tre sau vườn lanh lãnh vang lên cùng lúc khiến Thục không sao dỗ tiếp giấc ngủ mà từ đầu hôm cô mãi trăn trở, vắng người yêu, thêm lạ nhà, cô như chìm ngập trong bóng tối bủa vây bởi những cột gỗ đen mun chống đỡ ngôi nhà cổ. Mái nhà có chỗ võng xuống. Quanh quất đây những xó âm u và ẩm mốc. Thục im lặng nằm nép mình nhỏ nhoi trên chiếc giường rộng còn thoang thoảng mùi hương chăn gối ngọt dịu với Hoài Nam….
……………………………………….
Hôm đầu tiên khi thấy mẹ chồng dậy sớm làm việc. Thục đã chỗi dậy theo để chờ bà sai bảo, nhưng bà chỉ im lặng không hề nhắc nhủ nữa lời với nàng dâu mới. Ánh mắt lạnh lẽo trên khuôn mặt chữ điền khắc khổ như có vẻ xa lánh cô. Làn môi khô héo luôn mím chặt, hai cánh mũi thanh tú khẽ phập phồng khiến cô có cảm tưởng như lúc nào cũng muốn đánh hơi một cái gì đó xung quanh bà. Đoan Thục tự nhiên rùng mình dõi theo bóng mẹ chồng. Dáng bà mảnh mai như anh ấy, cô chợt thấy lạ lùng vì mới hôm trước khi Nam chưa xa nhà, cô còn nhận xét bà giống hệt người yêu, nghĩa là nhẹ nhàng và kín đáo. Vì thế tự thâm tâm cô muốn mình sẽ thương yêu và kính trọng bà như mẹ ruột…………….
………………………………………..

(Trích trong tập: Hoàng hôn thôn Vỹ - trg 326-327)

Nhìn lại – nếu Hoàng hôn thôn Vỹ là một câu chuyện tình hay nhưng gói gọn trong một khuôn khổ dở dang của một đôi tình nhân Huyên và Uyển Nhi xa vắng lâu ngày gặp lại trong nhiều nỗi nghẹn ngào và nhiều trăn trở… còn Dòng Đời là một thiên tình sử của Đoan Thục và Hoài Nam là hai nhân vật có thể nói là hỗ tương cho nhau để làm cho câu chuyện thêm phần ly kỳ và còn lâm ly, Cô MongHoan muốn còn đế cập đến cái phong kiến và cái thời nay với những thế hệ, những lớp người hôm nay… ở đây chúng tôi không cần bàn cãi gì thêm giữa hai câu chuyện tình Huyên và Uyển Nhi; Hoài Nam và Đoan Thục… vì trong hai nhân chứng Uyển Nhi và Đoan Thục bây giờ là những chứng nhân của thời đại, cũng là những đề tài mà tác giả MongHoan muốn khơi gợi lên để cho tất cả chúng ta nhận thấy và còn nhiều suy nghĩ với riêng mình như thế… Có thể nói hai câu chuyện đặc biệt trong Hoàng hôn Thôn Vỹ cũng đã làm cho chúng tôi nhiều suy nghĩ và phân tích ra được rất nhiều vấn đề đáng nói… Ở đây chúng tôi không cần đề cập đến đoạn cuối của Hoài Nam và Đoan Thục, bởi vì hai người này dù sao cũng đã là vợ chồng, và có Hoài Ái là con …. Cho dù với tháng ngày dài cách biệt, nhưng ở đây có thể nói tác giả MongHoan “không cho phép” hai con người này tiến thêm bước nào nữa – cho dù điều này có thể xảy ra – nhưng tác giả của Hoàng hôn thôn Vỹ “đã không cho phép” như thế - dù sao tất cả những con người được đề cập lên trong câu chuyện đều là những con người có học thức và có những trình độ biết nghĩ suy… có lẽ chính vì thế mà Cô MongHoan đã ngăn cấm điều đó là một bút pháp có minh chứng….. Trái lại với Uyển Nhi thì tác giả có thể cho phép làm được điều này, nhưng với Uyển Nhi lại không làm như thế… chỉ vì đó là một con người chung thủy, một mẫu người Á Đông trong cái phong kiến và tân thời, dù sao cũng đã ý thức được gía trị của cái nhân bản của con người Vietnam chính là cái đạo đức, cái logic, và đó cũng chính là cái nhân tâm của con người Vietnam là như vậy đấy….

Cho dù Hoàng hôn thôn Vỹ còn mãi thêm 16 tập truyện tình và những nét phong cách gợi tả của tác giả MongHoan thông qua bút pháp tường thuật, ký sự và những nỗi lòng tâm tư của chính tác giả hướng về với vùng đất thần kinh thương nhớ… chúng tôi rất tâm đắc với tác giả MongHoan qua rất nhiều câu chuyện như trong tác phẩm… để một mai nào đó, có lẽ bóng hoàng hôn cuộc đời cũng sẽ còn tắt hẵn và vùi sâu vào bóng đêm xa mờ nào, nhưng với bóng hoàng hôn thôn Vỹ của Cô MongHoan, có lẽ cũng sẽ còn giữ mãi với những hình bóng của hoàng hôn cuối đời và đó chính là những bài học nhân thế, những hình ảnh giáo dục con người với những hình ảnh tương phản của suy nghĩ mỗi chúng ta một khi con người của chúng ta – ai đó được hân hạnh đối diện với tác phẩm Hoàng hôn thôn Vỹ của Cô MongHoan vậy….

Nguyễn Ngọc Hải
Hoàng hôn thôn Vỹ đã đi vào tâm hồn tôi….
RungLaThap. Cuối tháng năm 2011.


Những ngày dài chìm đắm trong Hoàng hôn… CIMG3297
__________________________________________

Huế - tình yêu của tôi
Trình bày: Quang Lê

__________________________________________

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

Đang kiểm tra dữ liệu...

Bạn phải điền đầy đủ thông tin đăng ký.

Số ký tự phải từ 6 trở lên
Hãy chọn tài khoản khác
Có thể dùng tài khoản này
Không sử dụng địa chỉ này
E-mail sẽ được kiểm sau
Số ký tự phải từ 6 trở lên
Trùng tên đăng nhập
Chưa đúng
Chính xác

 

Domain : Trịnh Bá Chính
2013 Converted Forumtion by : An Hùng